Pages

Sunday 17 June 2018

ĐH Chicago bỏ tiêu chí điểm SAT/ACT trong hồ sơ tuyển sinh

ĐH Chicago vừa thông báo sẽ bỏ yêu cầu nộp điểm SAT/ ACT trong hồ sơ đăng ký tuyển sinh để vào được ngôi trường này.
ĐH Chicago, Mỹ được đánh giá là ngôi trường danh giá nhất sẽ tuyển sinh mà không cần nộp điểm SAT hay ACT
Với chính sách mới này, Chicago trở thành đại học danh giá nhất cùng với hàng trăm đại học Mỹ khác tham gia vào phong trào "tuyển sinh linh động" (nghĩa là có thể dựa vào điểm số hoặc không).
Sáng kiến của Chicago được đánh giá là tạo sân chơi cho cả những sinh viên thu nhập thấp và là thế hệ đầu tiên trong gia đình được học đại học – ông James G. Nondorf, giám đốc tuyển sinh của trường cho hay.
“Một số sinh viên có khả năng làm tốt trong các bài thi, một số khác thì không. Chúng tôi muốn bỏ bất cứ chính sách hay chương trình nào ưu ái riêng cho một nhóm sinh viên” – ông Nondorf nói.
Những người ủng hộ phong trào "tuyển sinh linh động" ca ngợi quyết sách này, và gọi nó là một “cột mốc quan trọng”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của cơ quan quản lý bài thi SAT – ông Zach Goldberg thì cho rằng, với tình trạng điểm GPA (điểm học tập ở trường) ngày càng tăng thì việc dùng một tiêu chí đánh giá khác như SAT lại càng trở nên quan trọng hơn.
Lãnh đạo ĐH Chicago cho biết, sáng kiến này sẽ bắt đầu được thực thi vào năm học 2023. Đi kèm với đó, trường cũng sẽ cấp học bổng toàn bộ học phí cho những sinh viên là thế hệ đầu tiên trong gia đình được học đại học và những sinh viên sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp hơn 125.000 USD/ năm. Con cái của nhân viên cảnh sát và lính cứu hoả trên toàn nước Mỹ cũng nằm trong diện ưu tiên này.
Hồ sơ nộp vào ĐH Chicago sẽ gồm đơn đăng ký, bảng điểm ở trường và thư giới thiệu của 2 giáo viên.
Theo FairTest – Trung tâm quốc gia về Kiểm tra mở và công bằng, có hơn 1.000 trường đại học hệ 4 năm và đã được công nhận hiện đang áp dụng chính sách không cần nộp điểm ACT và SAT trong hồ sơ đăng ký tuyển sinh. Những trường đại học khác áp dụng chính sách tuỳ chọn (có thể nộp hoặc không) gồm có: Bates College, Pitzer College và Wesleyan University. Hầu hết những trường này đều là trường tư.
Ông Robert Schaeffer – giám đốc giáo dục công của trung tâm này – cho biết, theo nghiên cứu thì khi các trường áp dụng chính sách tuyển sinh linh động, họ sẽ thu hút nhiều hơn các đối tượng sinh viên đa chủng tộc, địa lý và sinh viên thuộc thế hệ thứ nhất được học đại học.
“Nó khuyến khích nhiều hơn những đứa trẻ có tài năng thực sự nghĩ về việc nộp đơn” – ông nói.
Nguyễn Thảo(Theo WSJ)

Wednesday 25 April 2018

Nam sinh Mỹ đỗ 83 trường đại học

Sau khi nộp đơn đăng ký, một nam sinh tại Mỹ được 83 trường đại học chào đón, cấp học bổng với tổng trị giá hơn 3 triệu USD.
Darrin Francois khiến rất nhiều người ngả mũ kính phục khi đỗ vào 83 trường đại học trên khắp nước Mỹ, cùng nhiều học bổng.
“Cháu chỉ nộp đơn, nộp đơn và nộp đơn. Cháu không biết mình đã nộp bao nhiêu đơn. Vì vậy, khi họ bắt đầu gửi thư thông báo, cháu ngày càng nhận được nhiều lời chấp thuận. Đến nay, cháu đã đỗ 83 trường”, Francois nói với WGNO ABC hôm 17/4.
Nam sinh My do 83 truong dai hoc hinh anh 1
Francois vô cùng vui mừng khi đỗ 83 trường đại học với nhiều học bổng giá trị. Ảnh: WGNO ABC
Bridget, mẹ của Francois, vô cùng tự hào về con trai.
“83 trường đại học? Thật tuyệt vời. Đó là một phước lành từ thượng đế. Tôi rất tự hào. Một người mẹ tự hào khi thấy con trai mình thành công”, bà chia sẻ.

Không chỉ Francois, nhiều học sinh khác tại trường Trung học Quốc tế New Orleans (nơi nam sinh trên theo học) cũng đỗ cùng lúc hàng loạt đại học. Khoảng một chục học sinh nhận được ít nhất 20 thư mời nhập học cùng những học bổng giá trị.
Nhiều người cho biết học bổng là yếu tố quyết định lớn bên cạnh những mục tiêu của cuộc đời.
“Tôi bắt đầu tập trung hơn vào việc chọn lựa sự nghiệp và những trường sẽ thúc đẩy tôi trong lĩnh vực đó”, Thalneisha Weston, nói.
Francois chưa quyết định sẽ học trường nào. Hiện tại, cậu cân nhắc một số trường luật.
Nam sinh cho biết học bổng nào cung cấp mức bảo hiểm tài chính chắc chắn nhất sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Francois.
Theo News Zing

Ngày về với đất mẹ của nữ du học sinh qua đời tại Đức

Nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, nữ sinh tử vong tại Đức đã được đưa về nước. Đằng sau câu chuyện buồn là lòng nhân ái, sẻ chia của nhiều người Việt nơi đất khách.
Ngày 22/4, chuyến bay đưa di thể của Thu Hà từ Đức về đến Việt Nam. Sau khi được hỏa táng, tro cốt của Hà được chôn cất ngay cạnh phần mộ của cha mình.
Thu Hà sang Đức thực tập khi đang du học tại Phần Lan với học bổng toàn phần. Đến ngày 11/3, nữ sinh qua đời sau khi ngã từ trên tầng cao.

Cộng đồng mạng đã đưa em về

Sau nỗi đau mất con, mẹ Hà phải đối mặt nỗi lo không thể đưa Hà về nước. Gia đình phải tự chi trả các chi phí hỏa táng, đưa thi hài nữ sinh về nước. Chi phí này quá lớn so với gia cảnh của Thu Hà.
Ngay ve voi dat me cua nu du hoc sinh qua doi tai Duc hinh anh 1
Chị gái Trần Kim Ngân trên chuyến bay đưa Hà về nước. Ảnh chụp màn hình.
Bố nữ sinh mới mất chưa đầy một năm. Mẹ là giáo viên tiểu học, còn chị gái mới đi làm. Gia đình khánh kiệt về tài chính. Người thân phải nén nỗi đau, gắng nghĩ cách đưa em trở về.
Áp lực quá lớn khiến Kim Ngân, chị gái của Hà, buộc phải kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Sự ra đi của cô gái xinh xắn, tốt bụng đã gây xúc động mạnh cho nhiều người. Hội Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức và nhiều diễn đàn mạng đã đăng lời kêu gọi ủng hộ tài chính cho Thu Hà.
Tại Việt Nam, Hội cựu học sinh chuyên THPT Trần Phú, Hải Phòng, phát động đợt quyên góp "Cho Thu Hà - Cô gái của chúng ta".
Tính đến ngày 19/4, tổng số tiền nhận được trong tài khoản VPBank là hơn 351 triệu đồng, tài khoản BIDV hơn 114 triệu đồng. Số tiền do kiều bào ủng hộ vào tài khoản tại Đức là 2.356 euro.
Nhận thấy số tiền đã đủ, Kim Ngân thông báo dừng nhận tiền ủng hộ. Sau đó, lượng người ủng hộ vẫn tăng thêm. Ngân cho biết sau khi lo cho em gái xong, gia đình sẽ tìm hiểu các quỹ từ thiện uy tín để gửi hết số tiền thừa cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay ve voi dat me cua nu du hoc sinh qua doi tai Duc hinh anh 2
Ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của Thu Hà sẽ còn đọng mãi trong lòng những người yêu mến em. Ảnh: FBNV.
Trong số hàng trăm người gửi tiền ủng hộ, nhiều bạn giấu tên gửi hàng triệu đồng. Cũng có người gửi 100 nghìn đồng kèm lời nhắn: "Chị không có nhiều tiền, mong góp lòng để em được trở về với mẹ, Hà nhé".
Nhờ có sự ủng hộ tài chính kịp thời từ cộng đồng, gia đình đã đủ tiền sang Đức đưa em về nước

Thiên thần nhỏ trong lòng mọi người

Với người chị gái, hơn một tháng qua là thời gian để những đau đớn tột cùng chuyển biến thành thái độ sống tích cực. Ôm chiếc ba lô đựng di thể em gái vào lòng, Kim Ngân giơ máy lên chụp bức ảnh kỷ niệm với nụ cười an nhiên.
"Hà cần mình là điểm tựa, là chỗ dựa cho con bé nên mình không thể yếu đuối. Dù con bé ở đâu hay là ai, mình chỉ mong Hà được bình an và hạnh phúc", chị gái của Hà tâm sự.
Ngay ve voi dat me cua nu du hoc sinh qua doi tai Duc hinh anh 3
Chiếc ba lô đựng tro cốt của Hà cùng dòng tâm sự của chị gái "Đêm cuối cùng, 2 chị em được ngủ cùng nhau, cũng là lần cuối cùng, chị được ôm em chặt đến thế". Ảnh: FBNV.
Tin rằng ở một nơi nào đó, em gái vẫn đang tồn tại và cần mình, Kim Ngân đã tự sốc lại tinh thần, nhủ lòng phải luôn mạnh mẽ để tiếp tục che chở cho em. Chuẩn bị thủ tục để sang Đức, người chị vẫn tự nhủ: "Khi nào về nhất định phải cho đi ăn những món mà nó thích".
Ngày tiễn Hà lên đường du học, Ngân và mẹ không cầm được nước mắt, thương em gái nhỏ một mình nơi xứ người. Khi đó, Hà vẫn cười để mẹ yên tâm, "con bé lúc nào cũng thế".
Cuộc sống những ngày đầu nơi đất lạ biết mấy khó khăn, Hà phải nỗ lực vì kinh tế gia đình eo hẹp. Nhưng nụ cười trên môi là "giấy thông hành", cô gái nhỏ chẳng mấy chốc đã chiếm được tình cảm của những người bạn bản xứ.
Gia đình bớt lo lắng hơn khi thấy cô luôn vui vẻ và gặp được nhiều người tốt. Bà Teija Pajari, người mẹ Phần Lan thường đón Hà đến nhà chơi, là một người như vậy. Bà đan khăn cho Hà, cho em đi chơi cùng gia đình vào dịp Giáng sinh. Cô bé là người đầu tiên dạy bà Teija nói câu "Em yêu anh" với chồng bằng tiếng Việt.
Ngay ve voi dat me cua nu du hoc sinh qua doi tai Duc hinh anh 4
Một buổi lễ tưởng niệm được bạn bè tại Phần Lan tổ chức để tưởng nhớ Thu Hà. Ảnh: FBNV.
Khi biết tin Hà mất, bà Teija tìm mọi cách liên lạc với chị gái Kim Ngân để gửi lại cho gia đình di ảnh của em. "Khi ở cùng gia đình tôi, Hà là cô bé dịu dàng, dễ mến và luôn yêu đời", người mẹ Phần Lan nhắn lại với Ngân.
Như lời cuối cùng gửi đến Thu Hà, cô giáo chủ nhiệm cấp ba của em viết trên trang cá nhân: "Mong con sớm yên nghỉ! Mọi người đều nhớ bóng dáng nhỏ bé và nụ cười tươi vui, ánh mắt tinh nghịch của con. Và đặc biệt, nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập của con sẽ là tấm gương cho nhiều thế hệ học sinh chuyên Trung Trần Phú noi theo. Mãi nhớ về con, cô học trò bé nhỏ!".

Hỗ trợ đưa thi hài người Việt tử vong ở Đức về nước

Trước đó, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã hỗ trợ gia đình công dân Việt Nam tử vong tại Đức tiến hành thủ tục để sớm đưa thi hài nạn nhân trở về.
Theo đó, bạn Trần Thị Thu Hà, sinh ngày 23/12/1997, tại Hải Phòng. Hà là sinh viên tại một trường đại học ở Phần Lan, sang Đức theo diện trao đổi sinh viên. Theo thông tin từ cảnh sát Đức, nữ sinh tử vong tại Dortmund, Đức, do ngã từ trên cao vào sáng 11/3.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đã gửi lời chia buồn và thông báo tới gia đình nạn nhân, hướng dẫn và hỗ trợ gia đình lo các thủ tục về hậu sự.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt đã đề nghị các cơ quan chức năng của Đức khẩn trương điều tra, cung cấp kết quả cho phía Việt Nam. Các cơ quan chức năng nước sở tại cho biết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để gia đình có thể giải quyết việc hậu sự theo nguyện vọng, cũng như phong tục tập quán của Việt Nam. 
Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan đã liên hệ với trường đại học nơi Hà theo học đề nghị hỗ trợ. Đại diện của trường cho biết đã liên hệ trực tiếp với gia đình và hỗ trợ về hậu sự. Hội Người Việt Nam tại Phần Lan đã tổ chức quyên góp và gửi trực tiếp sự hỗ trợ này tới gia đình nữ sinh.
Theo News Zing